Thứ hai, 24/03/2025
Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử UBND phường Ninh Khánh

ĐÌNH CAM GIÁ NÉT ĐẸP TRUYỀN THỐNG GIỮA LÒNG THÀNH PHỐ

Thứ sáu, 14/02/2025 Đã xem: 31

          Đình Cam Giá tọa lạc tại phố Khánh Tân, phường Ninh Khánh,là công trình kiến trúc cổ khởi dựng từ triều Lê, được nhiều đời trùng tu và gìn giữ. Kiến trúc đình kiểu chữ công (I) quay hướng đông.Di tích có cảnh quan đẹp, với nhiều cây di sản (cây cổ thụ trên trăm năm tuổi) như: cây lộc vừng, cây xi, cây đa, cây gạo, phía trước là hồ bán nguyệt. Sự kết hợp hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên và đình tạo nên một vẻ đẹp thơ mộng, cổ kính và linh thiêng.

        Tên gọi của đình theo từ điển Hán Việt: “Cam” có nghĩa là ngọt, “Giá” có nghĩa là mía. Cam Giá có nghĩa là mía ngọt, do đó dân địa phương còn gọi là làng Mía. Vì vậy đình Cam Giá còn có tên gọi là đình làng Mía. Ngoài hai tên gọi trên đình còn có tên gọi khác là đình Voi đá, Ngựa đá. Vì thời Hậu Lê có Lê Trung Nghĩa lấy vợ người làng Cam Giá. Sau khi đỗ tiến sĩ ông tiến cúng vào đình một số đồ thờ tự bằng đá như: voi đá, ngựa đá, chó đá, quản trượng, quản mã,… trong đó tiêu biểu nhất là một đôi voi đá, một đôi ngựa đá, nhân dân trong vùng đã lấy đặc điểm này làm tên gọi cho đình.

            Nơi đây thờ thừa tướng Lã Gia thời thuộc Triệu (207TCN-116TCN), vị tướng tài ba sớm có tinh thần độc lập dân tộc, không chịu lệ thuộc vào nhà Hán. Ngoài ra di tích còn thờ Câu Mang đại vương, ông quan Lê Trung Nghĩa và gia tiên các dòng họ lập làng Cam Giá.

Cổng Tam quan vẫn giữ được vẻ uy nghi vốn có

          Di tích là công trình cổ truyền mang phong cách kiến trúc dân tộc.Các đầu bẩy, vì kèo còn lưu giữ được những mảng điêu khắc gỗ thời Nguyễn, với các đề tài hoa lá hóa rồng, lưỡng long chầu nguyệt, long ly, quy phượng,… nét chạm tinh xảo, sống động, ở các hàng cột cái, cột quân, xành hoành, bức vách còn giữ được những mảng sơn son thếp vàng hình rồng vờn mây nét vẽ sắc xảo, bay lượn.

                                                        Ngựa đá

             Di tích còn là nơi lưu giữ nhiều hiện vật cổ quý hiếm và có giá trị như: voi đá, ngựa đá, quản tượng, quản mã, sập gỗ, nhang án, long ngai, bài vị….và7 đạo sắc phong: 1 đạo sắc năm thứ 4 đời vua Cảnh Thịnh (1796); 1 đạo sắc năm thứ 6 đời vua Tự Đức (1853); 1 đạo sắc năm thứ 31 đời vua Tự Đức (1878);  1 đạo sắc năm thứ 3 đời vua Duy Tân (1909); 1 đạo sắc năm thứ 2 đời vua Khải Định (1917); 1 đạo sắc năm thứ 9 đời vua Khải Định (1924); 1 đạo sắc thời Nguyễn (mất mỹ tự).

                                                 Nhà bia

           Hàng năm nhân dân tổ chức các nghi lễ, sinh hoạt văn hóa dân gian đậm đà bản sắc dân tộc. Đặc biệt ngày 12 tháng 10 (âm lịch) đình mở lễ hội Kỳ Phúc gồm có phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm 4 lễ: Lễ cáo yết, lễ cầu an, lễ dâng hương và lễ tất. Phần tế lễ gồm có Phần tế lễ do các cụ cao niên được làng cử ra thực hiện, sau phần tế lễ sẽ đến phần tế nam quan, nữ quan của các phố trong vùng, những năm gần đây còn có nhiều đội tế nam quan, nữ quan của các địa phương lân cận cũng đăng ký xin tham gia tế lễ tại lễ hội. Việc tế lễ được tổ chức long trọng, trang nghiêm, thực hiện theo nghi lễ truyền thống với tấm lòng thành kính, giữ gìn và bảo tồn những nét đẹp văn hoá của quê hương. Trong ngày này, người dân lần lượt đến lễ. Mâm lễ gồm xôi, thủ lợn, trầu, rượu, hoa quả...

Tế lễ

        Phần hội vừa mang tính dân gian vừa có tính hiện đại, hầu hết mọi người dân đều có thể tham gia như: các hoạt động múa rồng, múa lân, giao lưu văn nghệ.

Múa lân

            Nét đặc sắc của Lễ hội Kỳ Phúc đình Cam Giá là tục đâm xôi. Từ tối ngày 11/10 âm lịch, tất cả các xóm (nay là các phố) tập trung tại Nhà văn hoá (trước đây là điếm) để tổ chức nấu xôi và đâm xôi. Gạo ngâm đồ thành xôi, cho xôi vào thúng, dưới thúng lót áo mưa hoặc lá chuối. Ba hoặc bốn người trong phố khỏe mạnh dùng chày đâm cho đến lúc nào xôi nhuyễn, úp lật thúng xôi vào mâm, rồi dùng tay xoa cho mâm xôi tròn trĩnh. Xôi sau khi đâm nhuyễn được đơm vào hai mâm lễ, bên trên mỗi mâm xôi là một thủ lợn, 1 lễ được dâng cúng tại các Nhà Văn hóa, 01 lễ được dâng cúng tại Đình làng vào sáng ngày 12/10 âm lịch. Sau khi các phố dâng lễ xong, Ban Tổ chức tiến hành chấm điểm lễ vật xôi đâm và trao giải cho các đơn vị. Xôi, thịt sau khi dâng lễ thánh được chia đều cho tất cả các hộ gia đình trong phố với niềm tin mang lộc, may mắn đến cho gia đình.

                          Các phố đâm xôi dâng thánh

             Những ngày diễn ra lễ hội truyền thống của đình, nhân dân trong vùng cũng như con em của quê hương đang học tập, công tác, làm việc khắp mọi miền đất nước và du khách thập phương cùng về hội tụ bày tỏ lòng tri ân, tưởng nhớ tới công lao của các thế hệ cha, ông đã có công khai cơ lập làng.

           Với những giá trị đặc sắc đó, đình Cam Giá được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2004./.

 

 

 

 

 

 

 

Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập
Tổng số lượt truy cập
574805

Trực tuyến: 1

Hôm nay: 7

Hôm qua: 60