Thứ sáu, 17/05/2024
Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử UBND phường Ninh Khánh

Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam": Kích cầu tiêu dùng và sản xuất

Thứ hai, 10/08/2020 Đã xem: 399

    Sau 5 năm triển khai thực hiện, Sở Công Thương làm tốt công tác quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp, vừa tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển, vừa tăng cường công tác quản lý thị trường chống hàng nhái, hàng giả, hàng nhập lậu, bảo vệ hàng hóa trong nước, làm lành mạnh thị trường nội địa. 

    Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" là giải pháp huy động nội lực, đưa nền kinh tế phát triển. Vì thế, việc tiếp tục đổi mới cuộc vận động không chỉ là khơi dậy niềm tự hào dân tộc, cùng vượt qua thử thách, mà qua đó còn giúp doanh nghiệp tạo thêm nhiều việc làm, sản phẩm, dịch vụ có chất lượng, sẵn sàng cạnh tranh khi các hiệp định thương mại thế hệ mới có hiệu lực. 

    Trong 5 năm triển khai thực hiện Thông báo Kết luận số 107-KL/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Sở Công Thương đã điều chỉnh, bổ sung nhiều cơ chế, chính sách phù hợp với việc triển khai Cuộc vận động. 

Cuộc vận động

Hàng hóa Việt Nam được bày bán đa dạng tại Siêu thị Vinmart (TP. Ninh Bình).

    Các chương trình xúc tiến thương mại như đưa hàng Việt về nông thôn, đưa hàng Việt về chợ truyền thống đã được triển khai đến nhiều địa phương trong tỉnh. Mối liên kết giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp để sản xuất và tiêu thụ hàng nội, giữa doanh nghiệp với các địa phương để đưa hàng hóa đến sâu từng địa phương đã được hình thành và phát triển…

    Sở cũng đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hỗ trợ xây dựng 3 điểm bán hàng Việt trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí gần 200 triệu đồng; tổ chức 2 hội nghị kết nối cung cầu với sự tham gia của 370 đại biểu là đại diện Sở Công Thương, Liên minh Hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, hàng công nghiệp nông thôn khu vực phía Bắc và một số tỉnh/thành khác; thực hiện 80 chương trình xúc tiến thương mại với tổng số tiền gần 9,4 tỷ đồng; tổ chức cho 4 doanh nghiệp tham gia hội chợ, khảo sát thị trường nước ngoài và 11 doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm trong nước để giới thiệu, bán sản phẩm của địa phương; tổ chức 8 hội chợ với trên 1.250 gian hàng tại 8/8 huyện, thành phố trong tỉnh, thu hút 400 lượt doanh nghiệp tham gia và 1.400.000 lượt người tham quan, mua sắm, trị giá giao dịch khoảng 13 tỷ đồng; tổ chức 2 đợt đưa hàng Việt về khu công nghiệp với sự tham gia của 2 doanh nghiệp và 6.000 lượt người tham quan mua sắm, trị giá giao dịch 2,5 tỷ đồng. 

    Sở cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát hành 4.620 bản tin Công thương, trong đó có trên 50 bản tin, bài viết trực tiếp tuyên truyền về Cuộc vận động, phối hợp với các cơ quan báo chí địa phương viết tin bài về các cơ chế, chính sách của Nhà nước hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, các sản phẩm, dịch vụ uy tín trên địa bàn. 

    Thực hiện quy hoạch phát triển công nghiệp, quy hoạch phát triển nghề và làng nghề kết hợp với phục vụ du lịch, quy hoạch phát triển điện lực tỉnh và cấp huyện, quy hoạch phát triển cụm công nghiệp; nhận bàn giao quản lý các cụm công nghiệp từ UBND các huyện, thành phố, tạo điều kiện thu hút và đẩy nhanh tiến độ các dự án sản xuất phân đạm, dự án thép chất lượng cao nhằm thay thế hàng nhập khẩu; tạo điều kiện cho các dự án phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh đi vào ổn định; tạo điều kiện cho ngành điện cải tạo, nâng cấp lưới điện phục vụ tốt nhu cầu sản xuất và đời sống nhân dân.

    Theo quy hoạch, đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh sẽ có 25 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích là 946,3ha. Để đảm bảo công tác phát triển các CCN đạt hiệu quả cao, tất cả các CCN trên địa bàn đã bàn giao về Sở Công thương quản lý. Đối với việc xây dựng hạ tầng, đến nay đã có 18/25 CCN được chấp thuận đầu tư hạ tầng, trong đó Trung tâm Khuyến công, xúc tiến thương mại và phát triển CCN, Sở Công Thương làm chủ đầu tư hạ tầng 7 CCN và Sở Công Thương đã thu hút được các doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng cho 11 CCN. Hiện nay toàn tỉnh đã có 13 CCN đi vào hoạt động, thu hút 75 dự án và 96 hộ cá thể đang hoạt động trong các CCN với nguồn vốn đầu tư đạt 11.190 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 46.000 lao động.

    Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai thực hiện Thông báo Kết luận vẫn còn một số hạn chế ảnh hưởng tới kết quả của Cuộc vận động như việc kiểm tra xuất xứ hàng hóa, chất lượng các sản phẩm, việc tổ chức các hoạt động trong hội chợ còn chưa chặt chẽ, ảnh hưởng tới niềm tin của người tiêu dùng đối với hàng Việt. Việc đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc. 

    Các cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp như: đất đai, thuế, hỗ trợ đổi mới công nghệ, tiếp cận vốn ngân hàng... còn nhiều hạn chế, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/

Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập
Tổng số lượt truy cập
550508

Trực tuyến: 3

Hôm nay: 31

Hôm qua: 60