Thứ sáu, 17/05/2024
Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử UBND phường Ninh Khánh

Giá thịt lợn trên thị trường đã giảm

Thứ sáu, 04/09/2020 Đã xem: 234

    Theo khảo sát, giá lợn hơi trên thị trường bắt đầu hạ nhiệt và quay đầu điều chỉnh về giá dưới 80.000 đồng/kg vào những ngày cuối tháng 8, giảm hơn 20% so với thời kỳ đạt đỉnh 100.000 đồng/kg cách đây gần 2 tháng. Kéo theo đó là giá thịt lợn thành phẩm tại các chợ, các siêu thị cũng bắt đầu giảm. 

    Chị Nguyễn Thị Oanh, tiểu thương tại chợ Vệ, xã Khánh Phú, huyện Yên Khánh cho biết: Hơn 1 tuần nay, giá lợn hơi đã giảm từ 90.000 đồng/kg xuống dưới 80.000 đồng/kg, dao động từ 74.000 - 78.000 đồng/kg. Giá thịt thành phẩm bán ra đã giảm từ 15.000 - 25.000 đồng/kg tùy vào từng loại, ví dụ thịt lợn mông sấn giảm 25.000 đồng/kg; xương, thịt vai giảm 20.000 đồng/kg; thịt ba chỉ giảm 15.000 đồng/kg. Nguồn cung lợn hơi không còn hiếm như trước đây. 

    Hiện nay, gia đình tôi chủ yếu bắt lợn của trang trại, doanh nghiệp lớn trong tỉnh và ngoài tỉnh, mỗi lần nhập từ 40-50 con và giết mổ dần trong vòng 8-10 ngày. Sản phẩm từ thịt lợn chủ yếu bán cho các công ty, doanh nghiệp tại Khu Công nghiệp Khánh Phú và người dân vùng lân cận. 

Giá thịt lợn trên thị trường đã giảm

Tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Mía

 

    Chị Nguyễn Thị Hường, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Mía cũng nhận định: Giá thịt lợn hơi bắt tại chuồng và giá thịt lợn đã giảm trong những ngày gần đây. Giá bắt tại hộ nuôi nhỏ, lẻ đã giảm 20.000 đồng/kg so với thời điểm giá lên cao nhất là 100.000 đồng/kg. 

    So với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì giá xuất chuồng tại các trang trại quy mô lớn còn hạ thấp hơn. Giá thịt lợn thành phẩm cũng giảm tùy vào từng loại nhưng dao động từ 10.000 - 20.000 đồng/kg. Người tiêu dùng bắt đầu quay trở lại mua thịt nhiều hơn. Nhiều tiểu thương đã tăng số lượng thịt lợn ra thị trường để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. 

    Theo đánh giá của các ngành chức năng, nguyên nhân chính góp phần rất lớn giúp "hạ nhiệt" giá lợn hiện nay do hiệu quả giải pháp tái đàn, tăng đàn lợn sau dịch tả lợn châu Phi. Các địa phương trên cả nước đã đồng loạt ban hành các chính sách hỗ trợ cho việc tái đàn, tăng đàn, tích cực hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học. 

Sau hơn 3 tháng tích cực tái đàn, nhất là khối các doanh nghiệp, trang trại, gia trại chăn nuôi lớn đã bắt đầu cho ra sản phẩm từ cuối quý III/2020. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến cuối tháng 7/2020 tổng đàn lợn của cả nước đạt khoảng 25,18 triệu con, tương đương 81,9% so với tổng đàn lợn trước khi bùng phát dịch tả lợn châu Phi (trên 31 triệu con vào ngày 3/12/2018). 

Trong đó có 12 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tái đàn và tăng đàn lợn trên 100% so với thời điểm trước khi có dịch tả lợn châu Phi. Cùng với việc tăng đàn, tái đàn, chính sách nhập khẩu thịt lợn của nước ta cũng tác động tích cực đến thị trường trong nước. 

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã chấp thuận cho 19 quốc gia được phép xuất khẩu thịt lợn và sản phẩm lợn thịt vào Việt Nam. Trong 7 tháng đầu năm 2020, cả nước có 130 doanh nghiệp nhập khẩu hơn 93.248 tấn thịt lợn các loại, chủ yếu từ các nước Canada, Đức, Ba Lan, Braxin, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha và Liên bang Nga, tăng 223% so với cùng kỳ năm 2019 và đạt trên 93% kế hoạch Chính phủ giao. 

Ngoài ra, do tác động của dịch COVID - 19 đã làm cho các ngành du lịch, dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề. Kéo theo đó là nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của các ngành này cũng sụt giảm mạnh, nhu cầu giảm thì giá thịt cũng giảm. 

Theo đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, mặc dù giá thịt lợn đã giảm nhưng vẫn còn nhiều khó khăn trong việc tăng đàn và giảm giá về mức theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bởi vì, nguy cơ dịch tả lợn châu Phi bùng phát trở lại vẫn còn do vi rút dịch tả lợn châu Phi có thể tồn tại lâu ở ngoài môi trường và chưa có thuốc điều trị, chưa có vắc xin phòng bệnh. 

Từ giữa tháng 8 đến nay, tại tỉnh ta dịch tả lợn châu Phi đã tái bùng phát tại một số xã của huyện Gia Viễn và Yên Mô. Bên cạnh đó, hình thức chăn nuôi nông hộ nhỏ, lẻ khó áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, nên người chăn nuôi nhỏ, lẻ sợ dịch bệnh tái phát và e ngại tái đàn. 

Trong thời gian tới, để góp phần cùng cả nước tiếp tục giảm giá thịt lợn trên thị trường, Chi cục phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở, trang trại chăn nuôi đủ điều kiện an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, đẩy mạnh tái đàn để đảm bảo cơ bản đủ nguồn cung thịt lợn cho nhu cầu tiêu dùng. 

Đồng thời, tích cực triển khai chính sách hỗ trợ tái đàn lợn nhằm khôi phục sản xuất chăn nuôi sau dịch tả lợn châu Phi, giúp các trang trại một phần kinh phí đầu tư nái hậu bị, tăng cường nhân giống và cung ứng lợn giống có chất lượng, an toàn dịch bệnh ra thị trường. Bên cạnh đó, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống dịch, khoanh vùng dập dịch tại điểm mới bùng phát, tránh lây lan ra diện rộng. 

Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập
Tổng số lượt truy cập
550536

Trực tuyến: 1

Hôm nay: 59

Hôm qua: 60